Bé sơ sinh

Điều kỳ diệu từ những khoảnh khắc hàng ngày với bé yêu

Bé từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi

Trong cuộc sống tất bật hiện nay, dường như trăn trở lớn nhất của các bậc cha mẹ đó là làm thế nào cân bằng giữa việc chăm sóc bé yêu và chăm sóc bản thân mình, đồng thời vẫn phải hoàn thiện những trách nhiệm và nghĩa vụ khác. Mỗi công việc đều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, khiến cho việc dành những khoảnh khắc yêu thương bên cạnh bé không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bạn có biết từ chính những sinh hoạt hàng ngày như cho bé uống sữa, tắm cho bé và mua sắm đồ đạc… hoàn toàn có thể giúp bạn gắn bó và tận hưởng thời gian với bé yêu. Không chỉ vậy, đây còn là những cơ hội tuyệt vời để hỗ trợ sự phát triển của bé, thông qua việc xây dựng cho bé sự tự tin, khả năng tự kiểm soát, tính tò mò, khả năng giao tiếp và kỹ năng sống.

 

Phần lớn chúng ta thường tập trung phát triển cho bé niềm đam mê khám phá thế giới xung quanh. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi không dự định mở ra cho bạn tất cả những dấu hiệu sẽ xảy ra trong từng giai đoạn phát triển của bé. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc giới thiệu những cách thức giúp bạn hỗ trợ bé phát triển thông qua chính những tương tác hàng ngày giữa bạn và bé. Điều này không chỉ giúp bé phát triển hoàn thiện về năng lực trí tuệ, khả năng nhận thức và tình cảm xã hội, mà còn làm cho những khoảnh khắc hàng ngày với bé trở nên thiêng liêng và ý nghĩa hơn.
Tiềm năng là vô tận, và bạn chính là điểm khởi đầu.

 

Trẻ sơ sinh
(Nguồn: Internet)
Hãy nhớ rằng, những khoảnh khắc yêu thương hàng ngày không chỉ giúp tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa bạn và bé, mà còn là cơ hội giúp bé yêu học hỏi và phát triển.
Hãy tận hưởng điều kỳ diệu trong từng khoảnh khắc bên bé yêu.

 

Nhận biết những dấu hiệu của bé
Bảng dưới đây tóm tắt lại quá trình học hỏi và phát triển của bé theo từng độ tuổi và cách bạn có thể hỗ trợ sự phát triển những kỹ năng mới cho bé trong giai đoạn này. Điều quan trọng cần lưu ý rằng mỗi bé là một cá thể độc lập và bé sẽ trưởng thành theo cách riêng của mình. Thiết lập mối quan hệ thân thiết với bạn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển tích cực của bé.
Bất kỳ hành vi nhỏ nhất hoặc những vấn đề liên quan đến sự phát triển của bé đều cần được quan tâm đúng mực. Luôn luôn trao đổi với bác sĩ tâm lý của bé hoặc nhờ đến sự tư vấn từ những chuyên gia đáng tin cậy.

Từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi

 

          Sự phát triển của bé
           Điều bạn có thể làm để hỗ trợ bé
Bé cần được hỗ trợ Phần đầu bé chiếm một tỷ trọng lớn so với phần còn lại của cơ thể. Thật ra, trước khi các cơ bắp ở cổ bé phát triển trong sáu tuần tiếp theo, bé sẽ chưa thể tự mình ngóc đầu lên được.
  • Đỡ phần cổ và đầu của bé khi bạn bế bé lên và đặt bé nằm xuống. Kiểm tra xe đẩy và ghế ngồi của bé trong xe sẽ giữ đầu bé không bị lắc lư hay ngả về phía trước.
  • Hỗ trợ các cơ bắp ở cổ bé phát triển bằng nhiều hoạt động giúp bé di chuyển đồng thời mắt và đầu, trong khi bé nằm ngửa hoặc nhổm người dậy. Khi bé tập trung vào đồ chơi, di chuyển nó qua lại phía trên bé.
Lắng nghe những âm thanh Những nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có khả năng lắng nghe tuyệt vời. Khi tròn một tháng tuổi, bé có thể kết nối những âm thanh với nguồn phát ra âm thanh đó. Âm thanh mà bé yêu thích nhất chính là giọng nói của những người xung quanh.
  • Hãy nói với bé về tất cả mọi thứ. “Bây giờ mẹ sẽ bắt đầu thay tã cho con nhé”. “Bố đói bụng rồi, chúng ta nên ăn món gì nào?” Hãy nhớ rằng, nếu bé quay đi khi bạn đang nói chuyện, điều đó có nghĩa bé đang cần sự yên lặng.
  • Lưu ý những loại âm thanh mà bé thích nhất. Một vài bé thích nhạc có tiết tấu mạnh, trong khi những bé khác lại thích giai điệu nhẹ nhàng hơn. Đừng lo lắng về giọng hát của bạn, ngay cả khi bạn hát lạc nhịp thì bé vẫn thích giọng hát của bạn hơn cả.
Quan sát những đồ vật
Trong 2 tháng đầu tiên, bé sẽ tập trung nhiều nhất vào những vật trong vòng 20-30cm trước mặt bé. Đó cũng chính là khoảng cách của gương mặt bạn khi cho bé bú sữa.
  • Cầm đồ chơi của bé trong khoảng cách bé nhìn thấy được, và cố gắng tìm kiếm đồ chơi có màu sắc tương phản cao (như trắng và đen) hoặc những màu sắc tươi sáng.
  • Hãy để ý những dấu hiệu của bé. Bé sẽ cho bạn biết khi nào bé cần nghỉ ngơi bằng cách quay đi hoặc khóc.
  • Chơi những trò chơi di chuyển một vật qua lại khi bạn đang nói chuyện với bé. Nếu bé đang thức và tập trung, bé sẽ dõi mắt nhìn theo đồ chơi đó.
Cầm nắm mọi thứ Trẻ sơ sinh có một khả năng nắm chặt đồ vật rất tốt, tuy nhiên bé không thể tự mình cầm lấy mọi vật xung quanh. Bé sẽ nắm chặt những vật bạn đặt vào lòng bàn tay bé, vì đó là phản xạ tự nhiên từ khi bé ra đời.
  • Tìm những đồ chơi tạo ra những âm thanh nhẹ nhàng khi bé di chuyển. Âm thanh sẽ thu hút sự chú ý của bé đối với đồ chơi và bàn tay của bé.
  • Vấn đề an toàn phải luôn được ưu tiên hàng đầu! Đảm bảo rằng mọi thứ không quá lớn khi bé cho vào miệng.

 

Giai đoạn từ 2 đến 4 tháng tuổi -Thế giới trong tầm tay

 

 

          Sự phát triển của bé
           Điều bạn có thể làm để hỗ trợ bé
Thế giới trong bàn tay Vào khoảng 3 tháng tuổi, khi các bé nhận thức được bàn tay là một phần của cơ thể mình và bé có thể kiểm soát được, bé sẽ rất thích thú sử dụng chúng.
  • Tạo cho bé nhiều cơ hội để cầm, nắm những đồ vật an toàn.
  • Ngay khi bé phát triển khả năng điều khiển bàn tay mình, bạn sẽ thấy rằng bé có xu hướng cho tất cả những gì có được trong tay vào miệng.
  • Đảm bảo những đồ vật trong tay bé luôn được sạch sẽ và không quá lớn khi bé đưa vào miệng.
Trong tầm tay với Mặc dù trẻ sơ sinh có thể nắm những đồ vật trong lòng bàn tay mình, bé sẽ chưa thể với được những đồ vật xung quanh cho đến khi được 3 tháng tuổi. Khi đó, bé sẽ dùng cả hai tay để làm việc đó.
  • Đặt bé nằm ngửa và cầm một món đồ chơi màu sáng trước mặt bé và trong tầm với của bé. Bé sẽ rất thích thú với lấy đồ chơi bằng cả hai tay và kéo lại gần mặt để khám phá kỹ hơn.
  • Nói chuyện với bé khi bé đang với lấy những đồ vật. Động viên bé. Ngay cả ở lứa tuổi này, bé cũng sẽ rất thích thú khi bạn công nhận những nỗ lực của bé.
Bập bẹ và

trò chuyện

Giữa 3 và 4 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu rất thích thú với việc bập bẹ nói chuyện, và người bé thích nói chuyện hơn cả chính là bạn. Bé sẽ bắt đầu với những nguyên âm (ô, ah) đến những âm thanh mới và những phụ âm (P, M, B và D)
  • Khi bé bập bẹ nói chuyện với bạn, đừng nên chỉ nói chuyện lại với bé. Bạn hãy nói giống như bé sẽ hiểu hết những gì bạn nói. Trước khi bé bắt đầu nói được từ đầu tiên, bé sẽ hiểu được hàng trăm từ khác nhau từ những cuộc trò chuyện tương tự.
  • Hãy chú ý đặc biệt đến giai điệu của những lời bập bẹ của bé. Bé sẽ nói chuyện và tạm ngưng, chờ đợi bạn phản hồi lại. Khi bạn nói một điều gì đó và tạm ngưng, bé sẽ bắt chuyện ngay lập tức. Đó chính là cách đầu tiên bé học về nghệ thuật giao tiếp.
Ý nghĩa những nụ cười Những nụ cười đầu tiên của bé (kể cả những nụ cười trong giấc ngủ) cho thấy được những phản ứng từ hệ thần kinh non nớt của bé. Từ 2 tháng tuổi, bé đã có một nụ cười vô cùng đặc biệt chỉ dành cho bạn mà thôi. Và đó chính là sự phản ánh chân thật nhất về tình yêu bé dành cho bạn.
  • Rõ ràng không cần khuyên bạn cười lại với bé mỗi khi bé cười với bạn! Chúng tôi sẽ nói cho bạn biết rằng sự trao đổi những nụ cười chính là hình thức sớm nhất của vui chơi. Đây là giai đoạn khởi đầu cho một mối quan hệ thân thiết gắn bó suốt đời.
  • Khi bé cảm thấy muốn chơi, hãy bắt đầu trò chơi với bé. Nhẹ nhàng thổi vào bụng bé, chơi ú òa, tạo ra những âm thanh vui nhộn và những nụ cười rạng rỡ. Nếu tâm trạng bé không vui, đó có thể là dấu hiệu bé cần được vuốt ve và một giấc ngủ êm ái.

 

Giai đoạn từ 4 đến 6 tháng tuổi

           Sự phát triển của bé
           Điều bạn có thể làm để hỗ trợ bé
Trong tầm kiểm soát Bé đã có thể kiểm soát cơ thể mình tốt hơn. Bé lăn tròn được theo cả hai hướng, đồng thời với và nắm bắt đồ vật dễ dàng hơn. Và bé cũng sẽ bắt đầu ngồi với sự giúp đỡ của bạn. Bé sẽ sử dụng cả hai tay để khám phá thế giới xung quanh mình.
  • Đặt bé nằm ở nhiều vị trí khác nhau: nằm sấp, nằm ngửa và đỡ bé ngồi dậy. Mỗi vị trí sẽ cho bé những góc nhìn khác nhau về thế giới, đồng thời mở ra cho bé nhiều cơ hội phát triển những kỹ năng khác nhau như lăn, bò, trườn và sử dụng cả hai tay trong khi ngồi.
  • Chơi những trò chơi giúp bé với tay và nắm lấy đồ vật. Cầm những đồ chơi yêu thích trong tầm tay của bé và khuyến khích bé với tay để lấy món đồ chơi đó.
Con làm được! Bé sẽ học cách thế giới vận hành và những gì bé có thể làm được. Bé sử dụng những kỹ năng vận động mới học được để cầm lấy và khám phá những đồ vật bằng nhiều cách khác nhau. Bé sẽ quan sát bạn và bắt chước cách bạn làm.
  • Đưa cho bé nhiều loại đồ chơi với các hoa văn, hình dạng, trọng lượng và chức năng khác nhau. Hãy tham gia vào quá trình khám phá của bé.
  • Hướng dẫn cho bé nhiều cách khác nhau để sử dụng đồ vật: đổi chỗ các đồ chơi từ tay này qua tay kia, lắc, đập và thả cho đồ vật rơi xuống đất.
Điều gì

sẽ xảy ra?

Bé sẽ rất thích thú với việc đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bé sẽ rất háo hức quan sát bạn và muốn bạn lặp lại hành động đó. Điều này giúp bé có được nhận thức và khả năng kiểm soát những sự việc xảy ra xung quanh.
  • Nói chuyện với bé trong khi chuẩn bị cho bé bú sữa, bất kể khi bé bú sữa mẹ hay bú bình. Điều này giúp bé có được cảm giác thoải mái và học cách chờ đợi.
  • Chơi trò ú òa với bé, tạm ngưng một vài giây sau khi bạn “biến mất” để cho bé thời gian suy nghĩ về điều gì sắp xảy ra.
  • Tạo cho bé nề nếp trong sinh hoạt. Thực hiện những việc làm hàng ngày theo đúng thời gian định sẵn, ví dụ như giờ ăn, ngủ, kể chuyện, hát ru và ngủ.
Con muốn tự làm lấy mọi việc! Bé sẽ bắt đầu khám phá thức ăn và muốn tự mình ăn. Chạm vào và nếm thử những thức ăn khác nhau là một giai đoạn quan trọng trong quá trình học hỏi của bé. Tự xúc ăn giúp bé có được sự tự tin.
  • Cho bé chơi với ngón tay của bạn và khám phá bình sữa hoặc bầu vú mẹ khi đang cho bé bú sữa. Có thể việc này sẽ tạo ra nhiều bừa bãi, nhưng đây là một giai đoạn cần thiết trong quá trình học hỏi của bé, giúp bé khám phá cảm giác và hương vị của những loại thức ăn và chất lỏng khác nhau.
  • Khi bé lớn hơn một chút, hãy để cho bé dùng tay bốc thức ăn và khuyến khích bé dùng muỗng để tự xúc ăn.
Con có điều muốn nói Bé sẽ phát ra nhiều âm thanh khác nhau khi nói chuyện với bạn, với những người khác, với đồ chơi và bất kỳ điều gì gợi cảm hứng cho bé. Toàn bộ những phát âm này là nền tảng cho việc phát triển ngôn ngữ ở bé. Bạn càng phản hồi lại với bé, bé sẽ càng tự tin và háo hức hơn và tiếp tục nói chuyện
  • Lắng nghe bé nói và nhìn thẳng vào mắt bé. Khi bé tạm ngưng, phản hồi và chờ đợi. Điều này sẽ giúp bé học được cách trò chuyện.
  • Bạn hãy trò chuyện với bé nhiều hơn và quan sát cách bé đón nhận những tín hiệu mà bạn đưa ra. Nhưng đừng quên đọc những dấu hiệu của bé. Khi bé không muốn nói chuyện, đừng hối thúc bé. Có thể bé đang cần được nghỉ ngơi.
Cho tất cả vào miệng! Vào 4 tháng tuổi, bé sẽ rất háo hức khám phá mọi khía cạnh của thế giới xung quanh. Bé học thông qua chính những giác quan của mình. Đưa đồ vật vào miệng là một cách khác để khám phá đồ vật đó. Điều này hoàn toàn không phải vì bé đang đói hoặc đang trong quá trình mọc răng.
  • Đảm bảo rằng mọi đồ vật bé chạm tới đều sạch sẽ và an toàn khi đưa vào miệng. Điều này có nghĩa là đồ vật đó phải đủ lớn để bé không thể cho hoàn toàn vào miệng mình, và bề mặt nhẵn mịn để không cào xước da bé hoặc làm cho bé bị dị ứng.
  • Cho bé nhiều đồ chơi với hình dạng, màu sắc và hoa văn đa dạng. Đồ chơi với bề mặt trơn, lồi lõm, vuông hoặc tròn đều là những đặc điểm mà bé có thể tạo ra bằng miệng.
Tay chuyền tay Bé 4 tháng tuổi chưa thể sử dụng ngón tay cái để nắm lấy đồ vật, và khi bé chuyển từ hai tay sang chơi bằng một tay, bé sẽ cầm đồ vật bằng cách siết chặt những ngón tay vào lòng bàn tay của mình.
  • Cho bé những đồ chơi dễ cầm nắm với nhiều tay cầm, và đảm bảo rằng chúng đủ nhẹ để bé cầm và đủ lớn để bé không thể cho hết vào miệng.
  • Luôn nhớ rằng mặc dù bé có thể nắm lấy đồ chơi và với tới nó, bé vẫn chưa thể mở rộng hoàn toàn bàn tay và thả đồ vật đó ra. Khi một em bé 4 tháng tuổi làm rơi đồ chơi, điều đó nghĩa là bé cố tình làm rơi nó!
Con là một cá thể đặc biệt Vào 4 tháng tuổi, bạn đã có thể nhận biết rằng bé khác hoặc giống với những em bé khác cùng độ tuổi như thế nào. Trong suốt những tháng tiếp theo, bé sẽ rất giỏi trong việc cho bạn biết những điều bé thích và không thích, cũng như bộc lộ tính cách và sở thích của mình.
  • Khi bé quay đi, uốn cong lưng hoặc bắt đầu khóc trong khi đang chơi hoặc ở những thời điểm khác nhau, đừng vội lo lắng hoặc thất vọng. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bé cần được nghỉ ngơi sau quá trình tương tác. Có thể đó là thời gian hoàn hảo để thư giãn, như ôm bé lại gần hơn và hát ru cho bé một giai điệu du dương.
  • Suy nghĩ về tính cách đặc biệt của bé. Bé có thích môi trường ồn ào hay yên tĩnh? Bé là một đứa trẻ dễ nhận biết hay cần quan sát và chờ đợi? Hoàn toàn không có một con đường nào chính xác. Bạn chi cần hiểu và tôn trọng những cá tính đó của bé.

 

Nguồn: Zero to Three (www.zerotothree.org)

 

Bài viết liên quan

SHOPPING