Ốm nghén
Có hơn 90% phụ nữ khi mang thai bị ốm nghén, biểu hiện thường là buồn nôn ói, nhạy cảm hơn với mùi vị thức ăn, khó chịu hoặc nóng ở thượng vị, ăn không ngon miệng, mệt mỏi…
Ốm nghén thường bắt đầu ở tuần thứ 6 của thai kỳ (tính theo kinh cuối), có một số người sớm hơn ở tuần thứ 4, tức là trước khi biết mình có thai. Nghén thường kéo dài ở suốt giai đoạn đầu thai kỳ (thường 03 tháng đầu), một số ít trường hợp nghén kéo dài đến 10 tháng (tức là chỉ hết nghén sau sanh một tháng).
Nguyên nhân của ốm nghén chủ yếu là do sự gia tăng nội tiết tố hCG do nhau thai tiết ra. Khi bà mẹ có đa thai thì lượng hCG cao hơn khiến dễ buồn nôn và nôn nghiêm trọng hơn. Nồng độ estrogen tăng lên cũng khiến khứu giác mẹ nhạy cảm hơn với mùi vị, dạ dày bị kích thích, nóng rát. Những người mẹ mang thai lần đầu thường căng thẳng và điều này cũng làm tình trạng ốm nghén nặng hơn. Thiếu kẽm cũng là một nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị nôn ói.
Ốm nghén thường không nguy hiểm tới mẹ và bé. Tuy nhiên, có thể có một số mẹ bị nghén nặng, nôn nhiều liên tục đến mức không ăn uống được gì, dẫn đến mất nước, cần phải nhập viện để truyền dịch. Có người còn bị sụt cân nếu giai đoạn ốm nghén nặng kéo dài suốt trong 03 tháng đầu.
Ai cũng biết dinh dưỡng trong thai kỳ là rất quan trọng cho sức khỏe cả mẹ và con. Tuy nhiên khi bị nghén thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc dinh dưỡng của bà bầu. Ngửi thấy mùi thức ăn đã thấy ớn, buồn nôn, ráng nuốt vào thì phải kiềm cơn nhợn đến ứa nước mắt! Vì vậy bữa ăn sẽ kéo dài hơn thường lệ, vì nuốt gấp sẽ “ra” sớm! Đừng hối thúc bà bầu ăn cho nhanh.
Mỗi người ốm nghén khác nhau, có người sợ mùi cá, mùi dầu mỡ . Về nguyên tắc, khi đã nghén, sợ mùi gì thì nên tránh thức ăn đó, tuyệt đối không cố ăn, ép ăn sẽ càng khiến bà bầu sợ hãi. Có thể thay thế loại thức ăn đang gây nghén đó sang một loại thức ăn khác vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Ví như nếu sợ dầu mỡ thì đừng ăn món chiên rán mà hãy luộc, lựa chọn thịt nạc, hải sản, cá… hoặc nhờ người khác nấu… Đến bữa chính nếu không ăn uống được nhiều, hãy ăn thêm 2 – 3 bữa phụ để tăng cường bổ sung dinh dưỡng trong nhiều bữa nhỏ trong ngày. Để giảm được triệu chứng buồn nôn và khó chịu vào buổi sáng, sáng sớm thức giấc có thể nhâm nhi ngay một ít thức ăn nhẹ, khô, như bánh qui, sandwich nho, chờ khi thấy đã dịu cơn nóng rát ở dạ dày thì hãy ăn một tô phở hay món yêu thích. Nhớ luôn mang theo người một số những thức ăn nhẹ để ăn giữa bữa, không nên để đói cồn cào. Hãy chủ động điều chỉnh các món ăn, cách nấu hợp khẩu vị nhất trong thời kỳ thai nghén.
Một số người ngậm gừng cũng có thể giảm cơn buồn nôn sau ăn. Và nhớ rằng sau khi nôn ói, phải ăn trở lại với món ăn khác, mùi vị khác, từng ít một để không bị thiếu dinh dưỡng. Bà bầu nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thêm các loại vi chất quan trọng trong thời kỳ mang thai như canxi, kẽm…
Bài viết liên quan
- 18-02-2019
- |
- 4:31 PM
- 25-01-2019
- |
- 5:28 PM
- 11-07-2015
- |
- 10:51 AM