Bé sơ sinh

Tắm bé sơ sinh đúng cách

Nhiều bà mẹ trẻ không khỏi lúng túng trong những lần đầu tắm bé sơ sinh. Để việc tắm con trở nên an toàn, dễ chịu hơn, sau đây là một số kỹ năng cơ bản mà các mẹ nên biết.

CHUẨN BỊ

Trước khi tắm cho bé, mẹ cần chuẩn bị:

  • Chậu lớn chứa nước ấm khoảng 37 oC, có thể dùng nhiệt kế chuyên dụng để đo hoặc mẹ thử nhiệt độ nước bằng khuỷu tay của mình. Để đảm bảo an toàn, mực nước trong chậu chỉ đủ để ngập gần đến vai bé khi đặt bé vào.
  • Một chậu nước ấm nhỏ và ca múc nước để tắm sữa tắm cho bé
  • Sữa Tắm có thành phần chiết xuất từ thảo mộc hữu cơ như Tanamera Kidz hoặc Bio Bio Baby
  • Bông sạch để vệ sinh rốn sau khi tắm, bông ngoái tai dành cho bé
  • Khăn mềm để lau mặt, một chiếc khăn tắm lớn, sạch quấn cho bé khi tắm xong
  • Quần áo, bao tay, mũ, tã

 Sữa tắm gội cho trẻ sơ sinh

7 BƯỚC NÊN NHỚ

Mẹ phải rửa tay sạch bằng xà bông trước khi tắm bé. Pha sữa tắm vào chậu nhỏ

Bước 1:Đặt bé nằm trên chiếc khăn lớn, cởi quần áo và quấn cơ thể bé bằng khăn

Bước 2: Dùng khăn mềm thấm nước trong chậu nhỏ lau mặt cho bé, bắt đầu từ đầu mắt đến đuôi mắt, sau đó đến mũi, miệng, má, cổ và vai bé

Bước 3: Gội đầu cho bé bằng cách giữ cơ thể bé tỳ trên đùi mẹ, một tay đỡ dưới gáy và cổ bé, ngón cái và ngón giữa bịt tai của bé để nước không vào tai, bế trẻ ở tư thế đầu cao khoảng 45 0C. Lấy khăn thấm nước lên tóc của bé, sau đó xoa dầu gội vào nhẹ nhàng (không cho thêm dầu gội nếu chậu nhỏ đã pha xà bông), tuyệt đối không gãi và cào da đầu bé, xả lại bằng nước sạch, lau cho thật khô tóc bằng khăn khô.

Bước 4: Từ từ để chân bé tiếp xúc với nước trong chậu nhỏ, một tay giữ giữa cổ và đầu bé, tay kia lấy một chút nước đã pha sữa tắm xoa và massage khắp người trẻ . Tắm xong phần trước thì xoay người bé lại để tắm lưng (một tay giữ gáy, một tay giữ ở nách và cổ bé) , nhớ lau kỹ nếp gấp ở cổ, nách, mông, bẹn và bộ phận sinh dục. Sau đó đặt bé vào chậu tắm lớn để rửa sạch xà bông rồi nhấc trẻ ra khỏi chậu tắm với một tay giữ giữa đầu và cổ, tay còn lại đặt ở mông, ngón trỏ và cái vươn ra giữ đùi bởi các bé rất trơn khi ướt, đặt bé vào khăn tắm to trải sẵn trên giường và quấn bé lại.

Bước 5: Thấm khô cho bé từ cổ xuống, chú ý kẽ tay chân. Lau khô đến đâu thì mặc quần áo tới đó để bé không bị lạnh

Bước 6: bôi kem chống hăm (nếu bé bị hăm) vào các nếp gấp, bẹn trước khi mặc tã cho bé

Bước 7: Dùng bông làm sạch vành tai cho bé nhưng không ngoáy sâu bên trong. Nhỏ nước muối sinh lý (theo chỉ dẫn của bác sỹ) vào mắt bé để rửa sạch ghèn mắt nếu có.

Lưu ý: 

    • Tắm bé trong phòng kín đáo, tránh gió lùa, nhiệt độ phòng ấm áp.
    • Nên chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, tránh tình huống đang tắm cho bé mẹ quên khăn và bỏ bé một mình trong chậu để đi làm việc khác.
    • Thời gian tắm không quá 5 phút vì nếu tắm lâu trẻ có thể bị nhiễm lạnh. Thời điểm thích hợp tắm cho bé trong ngày là sau 9:30 sáng và trước 4:30 chiều. Có thể tắm vào đầu giờ tối (7-9h tối) nếu bé bứt rứt khó ngủ do hâm nóng
    • Không nên tắm khi bé quá đói hoặc quá no vì trẻ dễ bị nôn sữa ra ngoài
    • Trong khi tắm cho con, mẹ hãy nói những lời ngọt ngào, yêu thương để giúp bé không còn sợ nước, hãy đặt trẻ xuống nước nhẹ nhàng tránh làm bé giật mình, nếu trẻ khóc thét thì phải kiểm tra nước xem có quá nóng hoặc quá lạnh không.
    • Không cần phải lo lắng về rốn khi rốn chưa rụng. Sau khi tắm, hãy lau khô rốn bằng bông sạch hoặc vệ sinh bằng cồn 70 oC

Theo Ths.Bs. Đoàn Quỳnh Châu, Trưởng khoa sản BV Quốc Tế Đa Khoa Vũ Anh

 

 

Lưu ý khi tắm và chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Sai lầm thường gặp là phụ huynh không dám đụng vào rốn trẻ, chờ đến khi trẻ rụng rốn mới đụng đến, mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra…

Hằng năm có rất nhiều trẻ bị nhiễm trùng rốn. Một số trường hợp rất nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da mà nguyên nhân là do trẻ chưa được sự chăm sóc rốn đúng.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cho biết, một số sai lầm phụ huynh thường mắc phải khi chăm sóc rốn cho trẻ là không dám đụng vào rốn, chờ đến khi trẻ rụng rốn mới đụng đến, mang băng rốn quá kín, kéo dài 2-3 tháng mới mở ra… Những thói quen này đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

 

Ảnh: Lê Phương.
Chăm sóc rốn cho trẻ là việc rất quan trọng. Ảnh: Lê Phương.

 

Chăm sóc rốn cho trẻ là việc rất quan trọng. Đó là một quá trình liên tục, phải làm ngay sau sinh đến khi rụng rốn, lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn. Nếu người mẹ ở tại các cơ sở y tế thì việc chăm sóc rốn chủ yếu do các bác sĩ, điều dưỡng viên thực hiện. Nếu sinh thường, không có nguy cơ, sản phụ được thầy thuốc cho về nhà tự theo dõi tiếp.

Mẹ và bé được đưa về nhà thì việc chăm sóc, theo dõi để phát hiện các bất thường của rốn lại do chính các bà mẹ hoặc người nhà thực hiện.

Trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc chăm sóc rốn sẽ được thực hiện như sau: Hằng ngày nên rửa rốn bằng dung dịch cồn 70 độ với bông sạch. Để thoáng, không băng rốn sau khi mở kẹp uốn, dùng bông sạch tẩm cồn 70 độ lau nhẹ nhàng từ đầu xuống chân rốn. Lặp lại như trên 2-3 lần. Sát trùng rộng da xung quanh rốn 3 cm. Nên chú ý, việc tắm, lau người, chăm sóc rốn cho trẻ không ảnh hưởng đến rốn nhưng phải để nó khô thoáng sau chăm sóc.

Tránh rắc tiêu lên rốn trẻ sau khi rụng, không rắc bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn, không đắp lá cây, xác sinh vật… kể cả thuốc lên rốn trẻ. Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ, chảy máu (kể cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng), rốn hôi, chảy nước màu vàng, sưng đỏ, có mủ, có u hạt to, không khô…. cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

Lưu ý khi chăm sóc rốn cho trẻ, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên, theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử trí sớm các trường hợp bất thường, tránh biến chứng không đáng có.

Lê Phương

Bài viết liên quan

SHOPPING