Blog

Trầm cảm thai kỳ – Liệu chúng ta đã hiểu hết về nó?

Theo thống kê, cứ 10 thai phụ thì lại có 1 người gặp phải chứng trầm cảm thai kỳ và chứng bệnh này mang lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Vì vậy, hãy cùng sausinh.com tìm hiểu cặn kẽ về căn bệnh này để có cách phòng tránh và bảo vệ mẹ và con thật an toàn nhé.

Trầm cảm khi mang thai – căn bệnh tiềm ẩn đáng báo động

Bỗng có một ngày nào đó, mẹ thức dậy và cảm thấy thế giới xung quanh thật đáng ghét. Mặt trời quá chói khiến mẹ bực bội, cái quạt ồ ồ cũng làm mẹ tức tối, thai máy lại càng làm mẹ khó chịu… Mẹ dễ tức giận bởi những chuyện dù là nhỏ nhất! Thậm chí ghét bỏ cả thiên thần mà mới hôm qua thôi mẹ còn rất mong đợi! Nếu mẹ nào đang trải qua giai đoạn này xin hãy lưu ý, đây có thể là dấu hiệu trầm cảm thai kỳ vô cùng đáng sợ đấy!

Bằng các công cụ truyền thông, ta dễ dàng ghi nhận những trường hợp mẹ bầu bị trầm cảm thai kỳ, thậm chí đến mức muốn bỏ thai, tự tử. Đây là một số chia sẻ của những người trong cuộc:

– Chị Ngô Thị Thu Th. (SN 1993), huyện Kinh Môn, Hải Dương đang mang thai đến tháng thứ 7 nhảy cầu tự tử khiến dư luận không khỏi xót xa cho hai mẹ con. Người thân của nạn nhân cho biết, có thể vì quá áp lực trong cuộc sống, lại đang thai nghén nên nạn nhân bị trầm cảm, sinh ra nghĩ quẩn và dẫn đến hành động dại dột đó.

– Chị Trà My (28 tuổi, Hà Nội): “Chị vừa mang thai, vừa chịu đủ thứ áp lực từ nhà chồng. Gia đình nhà chồng chị vốn là dân làm ăn. Việc con dâu về nhà chồng chỉ nằm suốt ngày là điều “chướng tai gai mắt”. Vì thế, dù ốm mệt đến mấy chị cũng cố lết về nhà ngoại hàng ngày để tránh ánh mắt soi mói của nhà chồng. Cảm giác lúc đó rất tệ. Một mặt chị vừa phải chiến đấu với ốm nghén, mặt khác vẫn phải gồng mình lên đi làm, tránh sự soi mói của nhà chồng. Có lúc chị nói với chồng muốn bỏ thai cho đỡ khổ, nhưng rồi lại bật khóc nức nở vì tủi thân và không hiểu nổi tại sao mình có thể nói ra câu nhẫn tâm đó.”

– Chị Sơn Hà (26 tuổi, TP.HCM): “Khi chị mang thai được 26 tuần, chị bỗng dưng từ một người rất vui vẻ chuyển sang rất dễ khóc, dễ buồn vì những chuyện nhỏ nhặt. Từ khi mang thai, chị đã hay buồn bã, tức giận. Gần sinh con, cảm giác này càng tăng lên, đặc biệt là hay suy nghĩ vẩn vơ, lo lắng, sợ hãi rất nhiều chuyện rồi gặp ác mộng khi đi ngủ chập chờn. Đêm không ngủ được sâu nên sáng dậy, chị rất mệt mỏi.”

Trầm cảm thai kỳ

Điều mẹ bầu mong ước lúc mang thai, có khi đơn giản chỉ là một giấc ngủ ngon

Như các mẹ thấy, có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến trầm cảm thai kỳ và căn bệnh này vốn cũng không quá xa lạ, nhưng tại Việt Nam, việc điều trị tâm lý không được coi trọng, các mẹ bầu cũng bàng quan và bỏ qua nó. Điều này có thể để lại hậu quả đáng sợ mà các mẹ không ngờ tới!

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm khi mang thai

Có rất nhiều lý do khiến mẹ bị trầm cảm trong quá trình mang thai, chủ yếu là do hormone thay đổi khiến mẹ cảm thấy nhạy cảm hơn. Bên cạnh đó, có thể mẹ gặp vấn đề về tâm lý do mâu thuẫn gia đình hoặc áp lực từ công việc, cuộc sống.

Đa phần các mẹ bầu thường lờ đi những cảm xúc tiêu cực này. Tuy nhiên, nếu mẹ không quan tâm và giữ cảm xúc tiêu cực trong thời gian quá lâu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng như bỏ ăn, không quan tâm đến việc dưỡng thai, hay thậm chí đáng sợ hơn, mẹ có ý định phá thai hay tự làm bản thân bị thương.

Vì vậy, việc có bố bên cạnh luôn quan tâm, chăm sóc mẹ bầu quan trọng một, thì việc mẹ nhận thức được tình hình bệnh lý của mình lại quan trọng đến mười. Vì trầm cảm thai kỳ sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng xấu đối với cả mẹ lẫn bé.

Trầm cảm thai kỳ

Mẹ bầu cần có nhận thức đúng đắn về trầm cảm thai kỳ để bảo vệ con và chính mình

Trầm cảm – kẻ thù số một của thai nhi

Nghiên cứu từ Hiệp hội Khoa học tâm lý chỉ ra rằng, thai nhi 6 tháng tuổi đã có thể cảm nhận và chịu ảnh hưởng từ cảm xúc của người mẹ. Những cảm xúc vui buồn, tức giận, hạnh phúc không chỉ ảnh hưởng nhất thời đến thai nhi, mà nó còn hình thành thái độ sống sau này của trẻ.

Việc người mẹ buồn rầu, thường xuyên khóc lóc trong thai kỳ, sẽ tác động thế nào đến em bé? Những thông tin sau sẽ giúp mẹ hiểu thêm về điều này và tránh được những cảm xúc tiêu cực, không tốt cho sự phát triển của thai nhi.

Trầm cảm thai kỳ

Nếu mẹ khóc, thai nhi cũng biết buồn cùng mẹ

– Trường hợp mẹ thường xuyên bị stress:

Thi thoảng lo lắng, căng thẳng hay stress không ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài dẫn đến trầm cảm kinh niên thì nhiều khả năng thai nhi không thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Cụ thể, mẹ hay bị stress trong thai kỳ, sẽ tăng nguy cơ con bị đau bụng và mắc các rối loạn tiêu hóa sau này.

Khi người mẹ căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra loại hormone căng thẳng tương ứng. Hormone này đi qua nhau thai và tác động trực tiếp đến em bé. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mẹ hay stress thì con sau này cũng hay bị stress và tâm lý không được ổn định.

– Trường hợp mẹ bị trầm cảm:

Trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bị trầm cảm có khả năng bị trầm cảm gấp 1,5 lần so với những trẻ khác khi đến tuổi 18. Những trẻ này cũng có tâm lý bất ổn và hung hãn hơn. Theo nghiên cứu, nếu mẹ bị trầm cảm khi mang thai và vẫn bị trầm cảm sau khi sinh, em bé cũng bị ảnh hưởng nhưng đỡ hơn so với trường hợp mẹ đang bình thường, mà sau sinh lại đột ngột bị trầm cảm.

– Trường hợp mẹ miễn cưỡng mang thai:

Những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, tâm lý chưa muốn có con cũng ảnh hưởng nhất định đến em bé. Các bà mẹ này thường không tìm thấy sự gắn bó, mối liên hệ với em bé và do đó tâm trạng bé cũng bất ổn theo đó.

– Trường hợp mẹ thỉnh thoảng buồn và khóc:

Trầm cảm thai kỳ

Thời kỳ mang thai, do thay đổi nội tiết tố, mẹ bầu rất dễ buồn và khóc

Thời kỳ mang thai, do thay đổi nội tiết tố nên bà bầu thường nhạy cảm, hay suy nghĩ, dễ xúc động và dễ khóc. Việc mẹ bầu có tâm trạng không tốt, thường xuyên buồn và khóc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

+ Mẹ khóc, con có thể bị dị tật: theo quan sát lâm sàng, trong tháng thứ 2 của thai kỳ, vòm miệng và hàm trên của thai sẽ bắt đầu được hình thành. Trong giai đoạn này, việc mẹ khóc, lo lắng quá mức hay gia tăng cảm xúc đột ngột có thể gây ra biến chứng sứt môi, hở hàm ếch ở trẻ.

+ Thai yếu và nhẹ cân hơn: trong những tháng cuối mà mẹ thường xuyên khóc hay tâm trạng bất ổn, trầm cảm, sợ hãi,… máu sẽ lưu thông kém, không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng đến thai. Nghiên cứu cho thấy trong trường hợp này, các bé sinh ra thường nhẹ hơn 0,5-1kg so với tiêu chuẩn. Ngoài ra, bé cũng có thể bị kém thông minh, chậm phát triển.

+ Dễ dẫn đến sinh non: khoa học đã chứng minh trong thời kỳ mang bầu, mẹ gặp phải cú sốc tâm lý, đau khổ, khóc nhiều dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu, sinh non và bong nhau non. Ngoài ra, chứng trầm cảm khi mang bầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất đáng sợ. Nhiều phụ nữ do tinh thần căng thẳng, cơ thể thay đổi khiến tâm lý bất ổn nên đã “nghĩ quẩn” và đi đến quyết định phá thai.

+ Ảnh hưởng đến sức khỏe, tính cách của bé sau khi sinh: tâm trạng của mẹ khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến bé khi còn trong bụng mà ngay cả khi ra đời, bé cũng gặp phải nhiều vấn đề. Trước tiên, bé có thể hay quấy khóc, ngủ kém, rối loạn tiêu hóa và khó thích ứng với sự thay đổi môi trường. Về tính cách, bé sẽ hình thành tính nhút nhát, khép kín, không thích giao tiếp với mọi người.

Cách phòng tránh trầm cảm khi mang thai

Đây đơn thuần là một bệnh tâm lý, vì vậy mẹ nên chăm sóc tâm trạng bản thân của mình nhiều hơn để cải thiện tình trạng trầm cảm thai kỳ.

– Thư giãn: Hãy bỏ căn nhà chưa lau hay tủ đồ chưa xếp mà nằm xuống thư giãn. Vì mẹ rất cần những khoảng thời gian như vậy để cân bằng cảm xúc bản thân.

– Tâm sự: Đừng cố gắng ôm lấy phần cảm xúc tiêu cực một mình. Mẹ hãy thử tâm sự với chồng hoặc bạn bè để tìm sự chia sẻ và đồng cảm. Việc có người lắng nghe sẽ khiến mẹ tâm trạng mẹ thoải mái hơn rất nhiều đấy!

– Suy nghĩ đơn giản: đừng quan trọng hóa vấn đề. Hãy cố gắng suy nghĩ mọi thứ một cách đơn giản nhất có thể. Dành thời gian để suy nghĩ đến những niềm vui nhiều hơn.

– Tập thể thao: Hãy thử những bộ môn thể thao thai kỳ chẳng hạn như yoga bầu. Việc học yoga bầu thường xuyên sẽ giúp mẹ học được cách điều chỉnh tâm trạng bản thân, cũng như cải thiện sức khỏe trong thai kỳ. Một thai kỳ khỏe mạnh sẽ khiến mẹ bớt được không ít bực dọc – một trong những nguyên do gây trầm cảm thai kỳ. Bên cạnh đó việc học yoga bầu cũng giúp mẹ giao lưu, tâm sự và học hỏi kinh nghiệm với các mẹ bầu khác. Tránh được những lo lắng không cần thiết do lần đầu làm mẹ đúng không nào?
Trầm cảm thai kỳ

Yoga bầu giúp cải thiện tâm trạng và giúp việc sinh nở dễ dàng hơn

Trầm cảm thai kỳ là một căn bệnh đáng báo động hiện nay bởi mối nguy hiểm tiềm ẩn nghiêm trọng hơn bất kỳ căn bệnh thông thường nào. Do đó, không chỉ người mẹ mà người chồng, người thân, những người xung quanh phải luôn quan tâm, chăm sóc và trò chuyện, chia sẻ cùng người phụ nữ, để đẩy lùi căn bệnh đáng sợ này.

Bài viết liên quan

SHOPPING