Lưu ý sử dụng thuốc khi mang thai
Trong nửa cuối của chu kỳ kinh nguyệt, để an toàn nên tránh dùng thuốc vì có nhiều loại đào thải chậm, đến khi thụ thai thì thuốc còn giữ lại trong cơ thể mẹ, gây ảnh hưởng xấu cho thai.
PGS. TS. dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP HCM, cho biết thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu.
Tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai. Tuy nhiên vẫn có trường hợp phải dùng thuốc, nếu không dùng chữa bệnh cho thai phụ thì sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Đó là trường hợp thai phụ bị các bệnh như tăng huyết áp, hen suyễn, tiểu đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn. Trường hợp này bắt buộc dùng thuốc chữa bệnh, nếu không dùng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, thậm chí gây ra quái thai.
Đối với phụ nữ có thai, đặc biệt lưu ý những điều sau:
Nếu có thể, tuyệt đối tránh dùng mọi thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Một số thầy thuốc khuyến cáo, phụ nữ còn trong tuổi hoạt động sinh dục, có khả năng thụ thai thì trong nửa cuối của chu kỳ kinh nguyệt, tức là lúc rụng trứng cho đến khi có kinh cần tránh dùng mọi thứ thuốc. Bởi vì có nhiều thứ thuốc có tính tích lũy, đào thải rất chậm ra khỏi cơ thể, khi uống lúc chưa thụ thai nhưng đến khi thụ thai thì thuốc còn giữ lại trong cơ thể người mẹ gây ảnh hưởng xấu cho thai.
Nếu cần thiết phải dùng thuốc chữa bệnh, đặc biệt có những bệnh như trình bày ở trên cần dùng thuốc để chữa trị kịp thời thì tốt nhất là đến khám ở bác sĩ để chỉ định thuốc. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích sức khỏe của bà mẹ và mức ảnh hưởng đến bào thai để chọn thuốc hiện diện trên thị trường nhiều năm được công nhận là an toàn đối với thai phụ và cho dùng liều thấp nhất có hiệu lực.
Nếu đã có thai mà không biết, lỡ dùng một số loại nguy hiểm thì trong thời gian mang thai, cần khám thai định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi kỹ.
Lưu ý một số thuốc phụ nữ có thai không nên dùng:
– Thuốc giảm đau gây nghiện: dextropropropoxyphen.
– Thuốc chống đau nửa đầu: erotamin.
– Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: barbiturat, benzodiazephin, rượu.
– Thuốc giảm đau chống viêm: aspirin, indomethacin, aproxen…
– Thuốc kháng sinh: các aminoglycosid, cloramphenicol, dapson, rifampicin, quinolon, tetracilin, Co-Trimoxazol…
– Thuốc hạ huyết áp: reserpin, nifedifin, các chẹn Beta, Acei.
– Thuốc lợi tiểu: các Thiazid.
– Thuốc da liễu: Isotretinoinm, vitamin A liều cao, vitamin K liều cao…
– Một số thuốc có thể gây quái thai: thuốc ức chế men chuyển, androgen (danazol), chống động kinh (carbamazepin, phenytoin, acid valproic), thuốc trị ung thư (antineoplastics: cyclophosphamid, methotrexat), isotretinoin diethystillbestrol, idod, lithi, thalidomid, warfarin…
Lê Phương
Bài viết liên quan
- 22-02-2019
- |
- 2:05 PM
- 16-06-2014
- |
- 6:22 PM
- 30-11-2014
- |
- 2:02 PM