Đang mang thai

Những bữa ăn kèm cá trong suốt thai kỳ gia tăng kích thước não của thai nhi

ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Hiệu quả của chế độ ăn lên thai nhi không chỉ là một lĩnh vực then chốt của nghiên cứu, mà còn là một lĩnh vực phức tạp đến không ngờ. Một nghiên cứu gần đây khai thác sâu vào những cơ chế đằng sau các acid béo omega và sự phát triển não bộ bào thai.

omega - 6

(Nguồn: Internet)

Tầm quan trọng của chế độ ăn trong thai kỳ là hết sức rõ ràng và không cần giải thích sâu hơn. Khi trẻ phát triển, cần cung cấp tất cả các thành phần cần thiết để hình thành một con người với đầy đủ chức năng. Do sự phát triển của não bộ hoàn thành phần lớn khi trẻ còn trong bụng mẹ, bất kỳ sự thiếu hụt nào trong chế độ ăn có khả năng sẽ ảnh hưởng rõ ràng ở não bộ hơn ở các cơ quan khác.

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Trường Y, Đại học Tohoku, Nhật Bản quan sát vai trò của các acid béo trong chế độ ăn – bao gồm omega-6 và omega-3 – lên sự phát triển bào thai của chuột. Tầm quan trọng của các acid omega đã được xác định rõ, tuy nhiên trong nghiên cứu mới nhất này, đứng đầu bởi Giáo sư (GS) Noriko Osumi, khai thác sâu hơn các cơ chế đặc hiệu của các acid béo trong suốt quá trình phát triển não bộ của bào thai.

Cả omega-3 và omega-6 đều được xem như là các acid béo thiết yếu vì cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất các acid béo này, do đó, chúng phải được cung cấp vào cơ thể thông qua chế độ ăn. Vai trò của các dầu omega trong cơ thể bao gồm dự trữ năng lượng, vận chuyển oxy, hoạt động chức năng của các màng tế bào và điều hoà phản ứng viêm. Các dầu omega-3 được tìm thấy chủ yếu trong cá biển, với những dạng thường gặp nhất là docosahexaenoic acid và eicosapentaenoic acid. Tại Hoa Kỳ, do nồng độ tương đối thấp của cá trong chế độ ăn, các dầu này thường không được tiêu thụ ở số lượng đầy đủ.

Các nghiên cứu trước đây đều cho thấy tầm quan trọng của omega-3 trong thai kỳ. Omega-3 có vai trò trong việc xác định độ dài thai kỳ và ngăn chặn trầm cảm trước và sau sinh. Các dầu omega-3 cũng cho thấy làm gia tăng tốc độ phát triển não bộ trong bào thai và trong suốt năm đầu đời. Các dầu này đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mắt. Những bào thai động vật thiếu hụt omega-3 cho thấy các biến đổi rõ rệt về thị giác và hành vi mà không thể nào điều chỉnh lại được bởi các chế độ ăn sau sinh.

GS. Osumi và nhóm nghiên cứu mong muốn quan sát hậu quả của một sự thay đổi trên tỉ lệ của các dầu omega. Bằng cách cho những con chuột đang mang thai ăn những chế độ ăn giàu omega-6 và nghèo omega-3, nhóm nghiên cứu mô phỏng các tỉ lệ thường được tìm thấy ở những chế độ ăn trên toàn thế giới hiện nay. Omega-6 được tìm thấy nhiều hơn ở những dầu hạt, trong khi omega-3 hầu như lại chỉ được tìm thấy độc quyền ở cá.

Khi các con chuột mẹ sinh con, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy não bộ của chuột con với các chế độ ăn giàu omega-6/nghèo omega-3 nhỏ hơn có ý nghĩa thống kê so với não của các con chuột con có chuột mẹ tiêu thụ một chế độ ăn cân bằng hơn với lượng omega3 và 6 như nhau. Thú vị hơn, và có lẽ đáng lo ngại nếu chúng ta suy luận từ các phát hiện, những con chuột con có mẹ tiêu thụ các tỉ lệ chế độ ăn lệch lạc trong thai kỳ cũng biểu hiện các biến đổi trên hành vi cảm xúc. Những con chuột con của các chuột mẹ tiêu thụ ít omega-3 cho thấy gia tăng lo âu khi trưởng thành, cho dù chúng được cung cấp một chế độ ăn khoẻ mạnh sau sinh.

Dù những khiếm khuyết tương tự đã được trình bày trong các nghiên cứu trước đây, GS. Osumi và các đồng nghiệp của ông khai thác sâu hơn vào những cơ chế đằng sau các phát hiện nhằm xem xét các biến đổi đặc hiệu xảy ra trong quá trình phát triển não bộ dưới sự thay đổi đó. Nhóm nghiên cứu tiến hành đo đạc toàn bộ các chất chuyển hoá chất béo đầu tiên trong quá trình phát triển não bộ, và xác định rằng các chất chuyển hoá của dầu omega là những chất điều hoà then chốt của các tế bào gốc thần kinh – chính là các tế bào tiếp tục phát triển thành các tế bào não hoàn chỉnh. Ở những con chuột có chế độ ăn nặng về omega-6 hơn 3, các tế bào gốc thần kinh tiến triển tới huỷ hoại một cách nhanh chóng hơn. Các kết quả, được công bố trên tờ báo “Stem Cells”, cho thấy việc gia tăng nồng độ omega-6 làm phát sinh sự gia tăng các oxide omega-6. Các phân nhánh omega này gây ra sự lão hoá sớm của các tế bào gốc thần kinh bào thai.

Các tác giả của nghiên cứu kết luận: “Các phát hiện này cung cấp chứng cứ thuyết phục rằng việc tiêu thụ quá nhiều omega-6 kết hợp với việc thu nhận không đầy đủ omega-3 gây ra bất thường phát triển não bộ, từ đó có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài lên tình trạng tâm thần cho thế hệ sau”. Khuyến cáo chung được đưa ra là omega-6 và omega-3 nên được tiêu thụ ở tỉ lệ 1:1. Khuyến cáo cho thai phụ từ Cục quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (US FDA) là 237 – 296g (8 – 10oz) cá mỗi tuần. Điều này làm tăng đến mức tối đa ảnh hưởng tích cực của omega-3.

(Nguồn: medicalnewstoday 1/2016)

 

Bài viết liên quan

SHOPPING